Dấu hiệu nhận biết bệnh giãn tĩnh mạch

Dấu hiệu ban đầu của bệnh giãn tĩnh mạch thường khá mờ nhạt, thoáng qua nên bệnh nhân ít để ý và dễ dàng bỏ qua. Nếu bạn có biểu hiện: đau chân, nặng chân, mỏi chân, phù nhẹ khi đứng lâu ngồi nhiều, vọp bẻ, chuột rút vào buổi tối, châm chích, cảm giác như kiến bò vùng cẳng chân về đêm… rất có thể bạn mắc bệnh giãn tĩnh mạch.

gian-tinh-mach

Nên điều trị bệnh giãn tĩnh mạch sớm để tránh những biến chứng lâu dài ( Ảnh minh hoạ)

Các cấp độ của bệnh giãn tĩnh mạch

Theo phân loại của Hội tĩnh mạch học thế giới, có tất cả 6 cấp độ giãn tĩnh mạch:

Cấp độ 1: Cảm giác nặng chân, tê chân.

Cấp độ 2: Phù chân khi đi lại hay đứng nhiều.

Cấp độ 3: Giãn và nổi tĩnh mạch ngoằn ngoèo trên bắp chân và đùi.

Cấp độ 4: Giãn tĩnh mạch và có thay đổi sắc tố da của chân: chân sạm màu.

Cấp độ 5: Giãn tĩnh mạch và có những vết loét dinh dưỡng ở chân.

Cấp độ 6: Các vết loét dinh dưỡng này điều trị mãi vẫn không lành.

Dấu hiệu giãn tĩnh mạch qua từng cấp độ

Dấu hiệu của bệnh giãn tĩnh mạch sẽ rõ rệt hơn theo từng cấp độ, cảm giác khó chịu cũng theo đó mà tăng cấp. Nếu như ở các cấp độ đầu, dấu hiệu thường không rõ ràng, thì ở giai đoạn tiến triển bệnh, mọi thứ rõ rệt hơn nhiều.

Trong giai đoạn tiến triển, giãn tĩnh mạch sẽ gây phù chân, có thể phù ở mắt cá hay bàn chân, đôi khi người bệnh có cảm giác mang giày dép chật hơn bình thường. Vùng cẳng chân xuất hiện chàm da, thay đổi màu sắc da do máu ứ ở tĩnh mạch lâu ngày làm rối loạn biến dưỡng. Các tĩnh mạch trương phồng lên gây cảm giác nặng, đau nhức chân, máu thoát ra ngoài mạch gây phù chân, nặng hơn thì có thể thấy các búi tĩnh mạch trương phồng nổi rõ trên da, các mảng bầm máu trên da gây loét da cẳng chân.

Lúc đầu loét chân có thể tự lành, sau đó bệnh tiếp tục tiến triển, các vết loét không tự lành mà có nguy cơ nhiễm trùng, điều trị rất phức tạp.

Ngoài các dấu hiệu trên, những tĩnh mạch nông dưới da ở cẳng chân và đùi còn giãn to ngoằn ngoèo. Giai đoạn đầu chỉ thấy tĩnh mạch nổi li ti, nhất là ở cổ chân và bàn chân. Lâu ngày, các tĩnh mạch này giãn to, có khi giãn hơn 10mm.

Nhìn chung, biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân giãn tĩnh mạch có thể thay đổi và có thể không có hay biểu hiện triệu chứng rất ít ở một số bệnh nhân. Các triệu chứng thường nặng lên khi về cuối ngày, đặc biệt là sau khi đứng lâu.

Nếu bệnh nhân có các triệu chứng của suy giãn tĩnh mạch chân, nên đến khám và theo dõi tại các phòng khám chuyên khoa tim – mạch máu để được hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cụ thể. Đặc biệt nếu thấy chân sưng nhanh và đau nhiều, hoặc thấy khó thở, đau ngực đột ngột phải đến bệnh viện khám ngay vì đó có thể là biểu hiện của tắc tĩnh mạch chân hoặc động mạch phổi, là những biến chứng nguy hiểm của suy van tĩnh mạch.