Lõm ngực bẩm sinh là một dị tật thường xuất hiện ở trẻ em, ảnh hưởng đến chất lượng sống khi trưởng thành nếu không được can thiệp sớm.lom-nguc-bam-sinh

Có liên quan đến di truyền

Bố hoặc mẹ dễ dàng phát hiện trẻ bị lõm ngực bẩm sinh ngay khi bé vừa sinh ra hoặc ở tuổi dậy thì với phần ngực bị lõm.

Y văn Việt Nam định nghĩa, lõm ngực bẩm sinh là biến dạng lồng ngực bẩm sinh do sự phát triển bất thường của một số xương sườn và xương ức làm cho lồng ngực bị lõm vào.

TS BS Trần Thanh Vỹ (Khoa Phẫu thuật lồng ngực và tim mạch – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết, y văn thế giới đã ghi nhận có yếu tố di truyền trong dị tật này thông qua các bằng chứng như trong gia đình có người cha bị lõm ngực bẩm sinh thì hai người con trai cũng bị tương tự, hoặc một gia đình khác có 3 anh em cùng bị dị tật này. Tuy nhiên, không phải tất cả dị tật lõm ngực đều do di truyền và hiện nguyên nhân gây ra dị tật vẫn chưa có câu trả lời.Trước đây, do nhiều lý do khách quan nên dị tật này không được phát hiện, ngày nay, do sự phát triển của y học nên nhiều trẻ em đã được phát hiện và điều trị thành công. Các bác sĩ cho biết, nhiều bệnh nhân đến khám khi ngực đã lõm nghiêm trọng do tim bị chèn ép, cơ thể gầy quá mức do suy dinh dưỡng.

Dấu hiệu nhận biết của dị tật này là mỗi khi vận động mạnh, trẻ thường than đau vùng biến dạng sụn và vùng trước tim, một số khác thì bị hồi hộp do rối loạn nhịp nhĩ hoặc khó thở. Bác sĩ chuyên khoa sẽ nhận biết qua triệu chứng mõm tim nằm lệch về bên trái. Thành ngực trước có vùng lõm sâu hình chén hoặc dẹt rộng.

Lõm ngực bẩm sinh gây ra nhiều tác hại, sự lõm xương ức sẽ dẫn tới sự phát triển bất thường ở các sụn sườn lân cận nên bệnh nhân bị đau ngực. Lâu dài sẽ dẫn tới bất thường sinh lý. Khi tình trạng lõm ngực ngày một nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ khó thở và suy dinh dưỡng, thậm chí bị suy giảm trí thông minh.

Tình trạng lõm ngực ngày một nặng khi trẻ đến tuổi dậy thì, do đó cần phẫu thuật đúng thời điểm nhằm ổn định chức năng của tim và phổi. Điều các bác sĩ quan ngại là từ trước đến nay tại những địa phương y học chưa phát triển trẻ thường bị chẩn đoán nhầm hoặc điều trị không đúng kỹ thuật nên bệnh nhân phải chịu đựng tình trạng bị lõm thành ngực kéo dài, cơ thể không phát triển do tim và phổi bị ép. Có nơi còn cho rằng do bị còi xương hoặc suy dinh dưỡng nên thành ngực không phát triển. Do đó, bệnh nhân cần tìm đến những nơi có chuyên khoa để được khám chữa bằng các công nghệ y học tiên tiến.

Điều trị được

Một tin vui cho những bệnh nhân bị dị tật này là hiện y học đã can thiệp xử lý tốt và những tác hại do lõm ngực bẩm sinh sẽ biến mất sau khi bệnh nhân được phẫu thuật.

Theo bác sĩ Vỹ, bệnh nhân chỉ được chỉ định phẫu thuật khi thấy mệt do gắng sức, có dấu hiệu đẩy lệch tim hoặc do vấn đề thẩm mỹ. Lúc này, bác sĩ sẽ tiến hành xác định vị trí lồi lõm trên thành ngực, đo và uốn thanh kim loại phù hợp. Bác sĩ sẽ tạo hai vết mổ khoảng 1,5 cm hai bên thành ngực, dùng clamp mạch máu Crawforth bóc tách trung thất xuyên qua khoang màng phổi đối bên, đặt khung kim loại đã uốn định hình vào trong lồng ngực. Các bác sĩ không cắt bỏ xương, không cắt ngang xương ức nên ít gây mất máu và thời gian phục hồi sớm. Sau đó chụp X-quang trên bàn mổ để đánh giá vị trí đặt khung kim loại và phát hiện biến chứng sớm. Sau một tháng, bệnh nhân sẽ đi lại bình thường nhưng tránh vận động mạnh. Sau hai năm, khi lồng ngực ổn định, khung kim loại sẽ được lấy ra.

Sự biến chứng sau phẫu thuật nếu có chỉ là do tay nghề của phẫu thuật viên và độ nặng của biến dạng lồng ngực, còn hầu hết đều thành công. Hiện nay, đã có hàng ngàn bệnh nhân được giải phóng khỏi lõm ngực bẩm sinh.

Bác sĩ Vỹ khuyến cáo, các phụ huynh nên phẫu thuật lõm ngực cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi vì ở lứa tuổi này khung xương các em còn mềm, dễ hồi phục, hơn nữa khi lớn lên, bệnh nhân không còn nhớ mình đã từng bị dị tật.

Dị tật lõm ngực bẩm sinh hiếm gặp ở người da đen nhưng thường gặp ở người da trắng và da vàng (đặc biệt là người châu Á) tỉ lệ 1/400 – 1/300 trẻ sinh ra còn sống, tỉ lệ nam nhiều gấp 4 lần nữ.

Dị tật lõm ngực bẩm sinh được y học thế giới phát hiện đã lâu và các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nhưng không mấy thành công, cho tới khi bác sĩ Nuss – chuyên khoa Nhi tại Florida là người đầu tiên thực hiện phẫu thuật nâng ngực bằng việc sử dụng thanh đỡ bằng kim loại. Từ năm 1986 đến năm 1997, ông đã thành công với 42 bệnh nhân. Sau đó công nghệ này được nhân rộng ra toàn thế giới.

Tháng 3.2008, công nghệ của bác sĩ Nuss đã được các chuyên gia Hàn Quốc chuyển giao cho các bệnh viện lớn tại TP.HCM như Bệnh viện Đại học Y dược, Chợ Rẫy. Bệnh nhân có nhu cầu nên đến điều trị tại các bệnh viện như Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM; phía Bắc có bệnh viện Việt – Đức, Hà Nội.

Nguồn: Thanhnien.vn